Chủ thầu là gì và tại sao lại được mọi người gọi như vậy? Công việc và tầm quan trọng của chủ thầu đối với mỗi công trình xây dựng là như thế nào? Đọc ngay
Trong cuộc sống thường ngày, chắc hẳn bạn đã được nghe về khái niệm “cơ sở hạ tầng”. Cùng tìm hiểu về "cơ sở hạ tầng" là gì qua bài viết sau đây.
Trong cuộc sống thường ngày, chắc hẳn bạn đã được nghe rất nhiều về khái niệm “cơ sở hạ tầng”. Song, không phải ai cũng có thể hiểu được một cách chính xác khái niệm này. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết để có cách hiểu chính xác khi nhắc đến cụm từ “cơ sở hạ tầng”.
Vốn là một phạm trù trong lĩnh vực triết học bên cạnh “Kiến trúc thượng tầng”, cơ sở hạ tầng là một khái niệm đề cập đến tập hợp các quan hệ sản xuất cùng cấu tạo nên cơ cấu kinh tế xã hội.
Cơ sở hạ tầng và Kiến trúc thượng tầng trong phép duy vật biện chứng từ Chủ nghĩa Mác-Lênin cho thấy mối tương quan biện chứng với nhau. Đây vốn là hai yếu tố rất quan trọng khi nghiên cứu về học thuyết sự hình thành nên các hình thái kinh tế-xã hội trong triết học.
Nhắc đến cơ sở hạ tầng là nhắc đến nền tảng bao gồm các yếu tố kết cấu nên nền kinh tế-xã hội hiện thời, khác với khái niệm kết cấu hạ tầng kỹ thuật – yếu tố phụ thuộc và được tạo nên bởi lực lượng sản xuất. Với mỗi hình thái kinh tế - xã hội sẽ tương ứng với một loại hình cơ sở hạ tầng nhất định, được hình thành và phát triển khách quan thông qua chịu sự tác động của các yếu tố khác.
Cơ sở hạ tầng không những bao gồm mối quan hệ giữa các chủ thể trong lực lượng sản xuất mà còn bao gồm các quan hệ kinh tế, các yếu tố trao đổi lẫn nhau trong quá trình sản xuất, tái sản xuất của cải vật chất phục vụ đời sống con người.
Chẳng hạn, ở thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, cơ sở hạ tầng của nước ta chính là nền kinh tế với kết cấu nhiều thành phần (thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể,…) mà ở đó, kinh tế nhà nước đã và đang nắm giữ vai trò chủ đạo. Nền kinh tế với kết cấu nói trên được tạo nên dựa trên cơ sở hình thành là ba loại hình sở hữu tư liệu sản xuất: sở hữu toàn dân với sự giám sát, quản lý của nhà nước; sở hữu của tập thể lao động, sở hữu tư nhân. Từ đó, xuất hiện nhiều loại hình kinh doanh tạo nên cơ chế đa dạng trong nền sản xuất nước nhà.
Cơ sở hạ tầng của một hình thái kinh tế-xã hội trong quá trình vận động chịu sự tác động và hình thành nên từ các mối quan hệ sản xuất thống trị, quan hệ sản xuất còn tàn dư từ quá khứ và quan hệ sản xuất mới/hiện đại đang manh nha phát triển, hứa hẹn tăng trưởng trong tương lai. Trong số đó, quan hệ sản xuất thống trị là điểm đặc trưng quan trọng mang tính chất của giai cấp thống trị, chi phối và định hướng các quan hệ còn lại phát triển theo hướng chế độ kinh tế mà xã hội đang lựa chọn. Ví dụ, nền kinh tế của nước ta là nền kinh tế nhiều thành phần phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực chất, khái niệm về cơ sở hạ tầng đã phân tích ở phần trên là một phạm trù triết học cần sự nghiên cứu tìm hiểu nhất định. Đó cũng là khái niệm chính xác nhất khi nhắc đến cụm từ “cơ sở hạ tầng”. Tuy nhiên, trong cuộc sống, những lần tiếp cận với cụm từ này đa số người sử dụng sẽ hướng đến cách hiểu thông thường hơn là một khái niệm triết học.
Cụ thể, cơ sở hạ tầng thường được nhắc đến như các cấu thành vật chất của một hệ thống nhất định nào đó. Chẳng hạn, đó là các cơ sở vật chất, các mô hình kết cấu kỹ thuật như mạng lưới điện năng, hệ thống đường giao thông, mạng lưới viễn thông, các thiết bị ứng dụng được lắp đặt tại các công trình xây dựng,…Tóm lại chính là kết cấu vật chất hiện diện hữu hình mà chúng ta có thể tiếp cận và sử dụng cho mục đích sinh hoạt, sản xuất thông thường.
Chính vì thế, nhắc đến cơ sở hạ tầng lúc này nghĩa là đang nhắc đến điều kiện vật chất của một hệ thống nào đó. Ví dụ chúng ta có thể nói “cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư tốt chính là một trong những yếu tố giúp công trình tòa nhà đang thi công có thể thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia mua bán, thuê lại phòng ốc bên trong đó”.
Vì hiện nay cụm từ “cơ sở hạ tầng” đang được sử dụng rất phổ biến với cách hiểu thực tế như trên nên cần phân biệt với khái niệm “cơ sở hạ tầng” trong triết học vốn phức tạp và mang nội hàm khác, tránh sử dụng nhập nhằng giữa các cách hiểu khác nhau.
Các thông tin về khái niệm cơ sở hạ tầng trong bài viết trên đã tổng hợp các thông tin cần thiết để bạn đọc có thể hiểu chính xác hơn về khái niệm này khi bắt gặp trong đời sống.